Monday, April 15, 2013

THƠ LUÂN HOÁN





  LX: Tên thật Lê Ngọc Châu, sinh năm Canh Thìn, 10-01-1941, Hội An, Quảng Nam.
Ðịnh cư và trưởng thành tại Ðà Nẵng từ 1953. • Sĩ quan trong QLVNCH, mất chân trái tại mặt trận Mộ Ðức, Quảng Ngải, 1969.
• Sau đó giữ chức tham sự ngân hàng VNTT, ÐàNẵng.
• Hiện tạm cư tại Montreal Canada từ 02-02-1985.
• Có bài đăng từ 1960 trên nhiều báo chí tại Việt Nam trước 1975, cũng như tại hải ngoại sau 1975.
• Giữ chức chủ bút của nhiều tạp chí hay tuyển tập, ấn hành nhiều tác phẩm chung với các bạn hoặc riêng cho ông.


Từ thi phẩm đầu tiên Về Trời in năm 1964 đến Cảm Ơn Ðất Ðá Trổ Thơ, Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài in năm 1991, Luân Hoán đã cho xuất bản tất cả 15 tác phẩm. Ðối với một người đã sống với nghề cầm bút, có 15 tác phẩm sau 28 năm viết lách, không phải là một số lượng đồ sộ. Ðiều đáng nói ở Luân Hoán là sự thuần nhất ở thể loại đã được sáng tác. Tất cả 15 tác phẩm đều là những tập thơ. Về điều này, cho đến nay, chưa có một thi sĩ nào đạt được số lượng trên ngoài Luân Hoán.

Nhưng số lượng thơ dồi dào của ông đôi khi cũng đã gây ra vài tranh luận. Có người quan niệm vì tính chất cô đọng ở thơ, thơ không nên sáng tác một cách phung phí. Nói nhiều thường sai nhiều. Viết nhiều thì dễ để cái dỡ chen lấn với cái hay. Có người chỉ muốn tìm hiểu tại sao Luân Hoán có thể làm thơ dễ dàng như vậy. Và có người thấy rằng Luân Hoán coi thơ như đời sống của mình. Thơ đến với Luân Hoán như những thói quen hằng ngày. Người khác thấy 15 thi phẩm mà Luân Hoán ấn hành như là hậu quả của một người quá nặng tình với thi ca, mà dồn tất cả sinh lực mình vào đó. Nhưng muốn tìm hiểu sự đam mê làm thơ gần như quá độ của Luân Hoán,không gì hơn ta hãy nghe chính tác gỉa nói về cố tật của mình.

....

Đêm nay lại thức nữa, hình như

có ai đổ rượu vào ngôn ngữ

tôi nói ra toàn thơ, rất thơ

(Ðưa Nhau Về Ðến Ðâu)

Và phải khách quan nhận rằng hiếm người dễ say bằng ngôn ngữ như Luân Hoán. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cho rằng “thơ bình dị chân phương bao giờ cũng có sức sống bền bỉ hơn những loại thơ kiểu cách hoa hòe hoa sói. Dùng chữ bình dân thì dễ. Cái khó là sử dụng thế nào để đạt đến một nghệ thuật, nghệ thuật của niềm rung cảm chân phương.”

Trong thơ Luân Hoán chúng ta không bắt gặp sự gọt dũa, trau chuốt, chúng ta bắt gặp một tâm hồn phóng khoáng, bình dị. Hồn thơ Luân Hoán qua ngôn ngữ có khác nào một kẻ từ chối áo gấm xuê xoang, để mặc áo vải, áo gai mà vẫn cốt cách, vẫn lịch lãm.

Ở Luân Hoán, ta không thể tách rời con người với tác phẩm. Những bài thơ vẽ rõ một đời sống. Và đời sống của Luân Hoán là loại đời sống nào ?

Đó là một cuộc sống man mác buồn. Luân Hoán đã viết lại nỗi buồn trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng. Bầu trời trong lòng ông vẫn êm đềm màu xám. Thơ Luân Hoán trải dài theo từng chặng đường đất nước, mang nỗi ray rứt thương nhớ không nguôi qua cuộc bể dâu của vận nước, của thăng trầm đời mình.

Nói đến thơ là phải nói đến tình. Nhưng thơ tình trong Luân Hoán là một loại thơ tình đặc biệt. Nó đã làm nhiều người khi nhận định về tình yêu trong thơ Luân Hoán vừa ngạc nhiên vừa cảm động. Vì đa số thơ tình của Luân Hoán lại dành cho vợ ông. Và lại là những bài thơ tình xuất sắc nhất của Luân Hoán. Một nguồn thi hứng ít thấy trong giòng thi ca Việt Nam. Những bài thơ ông viết cho vợ ngoài những lời lẽ, ý tưởng giản dị còn chuyên chở cả sức trìu mến, lòng yêu thương dù đã chung sống với nhau ít nhất là hai chục năm. Khi người vợ trở thành đối tượngcủa thơ tình thì sức ái tình phải thật là mảnh liệt. Hình như chưa có nhà thơ nào nhập chung được vẻ hiền thục của người vợ và vẻ lãng mạn của người tình như Luân Hoán. Ta hãy nghe một đoạn thơ trong bài thơ giặt áo cho vợ :

Trộn chút tình ta vào trong bột giặt

vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau

vải còn đượm mùi thịt da em thơm ngát

tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau.

(Ngơ Ngác Cõi Người)

Sau khi đọc 4 câu thơ trên, những người làm thơ như chúng tôi bàng hoàng lo lắng: mỗi người tự hỏi tình yêu mình dành cho vợ mình ở nấc thang nào mà lại không viết được những câu thơ nồng nàn thắm thiết như Luân Hoán đã viết cho vợ ông? Tình nghĩa vợ chồng của Luân Hoán với vẻ đậm đà, trân trọng, mà luôn luôn mặn nồng làm cho chúng ta nhớ đến tình vợ chồng của Trần Kế Xương:

Đóng cây đinh treo ảnh em lên vách

nhìn mắt em cười trong ảnh muốn hôn

xinh đẹp nhu ri sao mà lận đận

theo ta làm gì hỡi ả mèo con ?

(Ðưa Nhau Về Ðến Ðâu)

Tình cảm thuần hậu, thủy chung như vậy là trọn vẹn, chúng ta còn dám nói gì hơn? Và rất nhiều bạn văn thơ của Luân Hoán đều chung nhận xét :

“ Luân Hoán còn đứng vững với cuộc đời, với thi ca đến ngày hôm nay phần lớn là nương tựa vào tình yêu chân thành và nồng nàn của vợ ông.”

Sau Nguyễn Bính, Luân Hoán là một trong số ít nhà thơ viết về tình chị em một cách thiết tha và đầy ưu ái. Như bài Khiêng Nước đã được nhạc sĩ Phan Ni Tấn phổ nhạc. Chúng ta hãy nghe đoạn cuối

Ước chi được nhỏ lại

như những ngày trẻ thơ

cùng chị đi khiêng nước

bắt nòng nọc vọc chơi

giếng trong xanh nước mát

uống lưng một vành gàu

chị múc em đứng hát

chiều nắng vàng tàu cau...

(Ngơ Ngác Cõi Người)

Về quê hương, Luân Hoán đã viết với tất cả tấm lòng dịu dàng đằm thắm. Luân Hoán đã đi đã sống khá nhiều nơi trên quê hương. Có khi bằng bước giày học sinh, có khi bằng gót giày lính trận. Nhưng cuộc chiến Việt Nam đã để lại một thương tích trong tâm hồn cũng như trên thể xác Luân Hoán. Thơ ông do đó luôn luôn là một tiếng thơ buồn, uất nghẹn, là những ấm ức đắng cay và kinh hoàng của một nhân chứng.

Sau 1975, Luân Hoán xử dụng ngòi bút để chống bạo quyền. Có người chống với chữ nghĩa, âm thanh sắt thét, hào tráng, lẫm liệt. Có người chống lại nhẹ nhàng nhưng nhức nhối. Luân Hoán ở vào nhóm sau. Trong bài Một Chút Xuân Từ Quê Nhà, Luân Hoán, qua nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc : “chọn lựa chi tiết rất đắc. Tố cáo cuộc sống bần cùng khốn khổ, ông không cần dao to búa lớn, chỉ cần một lá thư với những chi tiết nhỏ nhoi đến tội nghiệp:

“Xin báo cùng anh tin vui thứ nhất

cây cúc đầu hè trổ được một bông...

xin báo cùng anh cây cà chua nhỏ

cũng đậu được vài trái đỏ xinh xinh...

xin báo cùng anh vồng khoai luống đất

nhờ bón phân người lá cũng rất xanh...

xin báo cùng anh sáng nay đầu ngõ

có con cu cườm đậu tuốt ngọn tre...”

chỉ có thế dù :

“thơ viết cho anh đắn đo từng chữ

lựa lọc từng lời cho đỡ nặng cân...”

Nhưng những kể lễ trước sau vẫn cứ quanh quẩn hoài với những điều rất mực vu vơ. Những niềm vui rất ư nhỏ bé không còn gì khác. Người đọc đủ thấy rưng rưng hiện lên trước mặt một cuộc đời lam lũ tối tăm đến là thương. Nói là báo tin vui nhưng sự thực lại vang lên tiếng khóc não lòng”

(Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ VN)

Trong thời gian đi tù cải tạo, nhà thơ vẫn vượt lên cao qua khỏi những tầm thường của nghịch cảnh. Chúng ta hãy nghe những câu hát hào sãng sau đây

Núi rừng xanh thật là xanh
đốn cây mà ngắm loanh quanh núi đồi
giây nào trói được óc tôi
cùm nào xích được hồn rời trại giam

(Hơi Thở Việt Nam)

Trong đầu đồng bào chúng ta ở quê nhà đều có hình ảnh một con tàu hay một chiếc máy bay. Bạn bè Luân Hoán cũng cùng tâm trạng:

Thằng nào cũng bạc tóc râu
đứa nào cũng mộng ghe tàu trốn đi

Thế nhưng sau khi niềm vui trốn thoát được lắng xuống, một nỗi đắng cay khác dâng lên :

Cho ta thấy được ta vừa trốn thoát
một cõi đời không nguôi nỗi nhớ thương

Còn cay đắng nào hơn đắng cay phải trốn thoát nỗi nhớ thương không nguôi tức là quê hương mình. Hai câu thơ trên đã gói trọn nghịch cảnh không riêng gì của Luân Hoán mà của cả trăm ngàn người bỏ nước ra đi...

Thưa quý vị, thưa quý văn hữu, Tôi vừa thay mặt hai mươi mấy người bạn viết về Luân Hoán, cố gắng tóm lượt lại những nhận xét của họ về nhà thơ. Tôi thấy có khen, có chê, nhưng tôi nghĩ có chê cũng chê rất chân tình và khen cũng khen rất chừng mực.

Phần phê phán thẩm định gía trị thực sự của thơ Luân Hoán cuối cùng bao giờ cũng thuộc về độc giả, và đặc biệt là quý vị hiện diện trong buổi sinh hoạt đêm nay. Để kết thúc, tôi xin đọc một bài thơ của Luân Hoán mà tôi đã thuộc lòng. Tôi không dám đoan quyết đó là bài thơ hay nhất của Luân Hoán nhưng chắc chắn đó là bài thơ tôi thích. Bài thơ có tựa đề:

Gởi Quà

Nghe tin anh về thăm quê quán

chẳng có cái gì để gởi theo


nước mắt chắc chưa cho nhập khẩu


đô la lận đận mãi còn nghèo


nhớ ra trong trái tim còn sót


đôi câu vè cũ ẩm hơi mưa


xin anh đọc thuộc về quê đọc


cùng những bạn bè ta thuở xưa


để chúng tin rằng tôi vẫn thương


từng hè phố cũ, từng con đường


từng con mương nhỏ, từng bụi chuối


từng tiếng ầu ơi, tiếng trống trường


và hãy nhắn gìu lửa đấu tranh


vẫn hồng như thuở tuổi xuân xanh


tóc đôi ba sợi lăm le bạc


lòng vẫn cầm quân hô chiếm thành


hành lý của anh chật hết chưa


cho tôi gởi nốt chút âm thừa


đêm nay chỉ có nình tôi thức


đốt thuốc ngồi nhìn sợi khói thưa


Trang Châu

No comments: