Tuesday, April 16, 2013

SIMIC NÓI VỀ THƠ


   

                                             
                                               
  Charles Simic(gốc Serbia sinh 1938 tại Belgrade) từng là Poet Laureate (2007)  và giải Pulitzer về thơ Mỹ năm 1990.  Một gương mặt kỳ bí giữa các dòng thơ Anh ngữ, ông say mê triết học và quan niệm thi ca có liên hệ mật thiết với triết vì cả hai cùng chất vấn Hữu Thể. Kế thừa truyền thống văn học dân gian Serbia và Trung Âu (Vasko Popa là cái bóng khổng lồ trong thơ Simic), học hỏi các thi phái tiên phong Âu-Mỹ, nhất là Siêu Thực, ông cất lên tiếng thơ trữ tình vừa thế sự vừa siêu hình, pha trộn óc khôi hài dí dỏm của dân gian. Ẩn dụ với ý tượng là hai lợi khí ông vận dụng nhiều trong sáng tác, tạo nên một phong cách riêng ích lời nhưng mở ra các chiều kích bất ngờ cho suy tư và liên tưởng. Những cách ngôn trích dịch lấy từ bài Wonderful Words, Silent Truth (University of Michigan Press,1990), nguyên là những ghi chép trong sổ tay của nhà thơ. Qua những suy tưởng này, Simic tạo một tương quan giao diện giữa tư tưởng và sáng tạo, giữa mỹ học và triết lý…

CHÂN  PHƯƠNG 

                                                                                                           



   Mỗi vật thể là một tấm gương…

Hình thức là mặt hữu hình của nội dung, cái cách khiến cho nội dung hiển lộ. Hình thức: thời gian hóa làm không gian và cùng lúc không gian hóa làm thời khắc.

May rủi là công cụ phá vỡ những liên hệ quen thuộc của ta. Một khi chúng vỡ ra, dùng một trong các mảnh vụn mà phóng vào bất khả tri.

Chúng ta gọi tên sự vật này rồi sự vật khác. Thời gian bước vào thơ như thế. Mặt khác không gian hiện hữu kinh qua sự chú ý chúng ta dành cho từng chữ một. Sự chú ý càng cao không gian mở ra càng nhiều, và bên trong chữ có rất nhiều không gian.

Vitrac gọi may rủi là “sức mạnh trữ tình”. Ông hoàn toàn đúng. Do không thể biết nơi chốn ta về sẽ gây nên nỗi hứng khởi giàu ảo mộng.

Theo trí tưởng tượng bên trong mỗi vật thể ẩn trốn một vật thể khác. Vật bên trong hoàn toàn không giống vật bên ngoài, hoặc bên trong y hệt bên ngoài nhưng hoàn hảo hơn. Tất cả tùy vào cách nhìn siêu hình của một con người; chính xác mà nói tùy vào cách ta thiên về tưởng tượng hay lý tính. Có lẽ sự thật là bên ngoài với bên trong cùng lúc y hệt và khác nhau.

Điều tôi phàn nàn về phái Siêu thực là sự sùng bái tưởng tượng qua lối trí tuệ.

Bài thơ tôi muốn viết là cái khó thực hiện: tảng đá nổi trên mặt nước.

Hình thức không phải là “dạng tướng” mà là “ý tượng”, là bằng cách nào thị hiện nội tâm tôi.

Artaud nói: “ Không ý tượng nào có thể thỏa mãn tôi trừ phi cùng lúc nó cũng là tri kiến.”

Thời gian của bài thơ là thời gian của chờ mong, hình như một nhà hình thức luận Nga từng nói như thế.

Tôi ước sao chỉ cho ngưởi đọc thấy rằng các vật quen thuộc nhất quanh ta không dễ hiểu chút nào.

Trong bài thơ dân gian nào cũng có bản tin thời tiết. Mặt trời rực nắng, tuyết rơi, gió thổi… Thi sĩ dân gian khôn ngoan biết rằng phải thiết lập tức khắc quan hệ giữa con người và vũ trụ.

Giữa sự thật nghe thấy và sự thật nhìn thấy, tôi chọn sự thật lặng lẽ của cái nhìn thấy.

Làm thơ là phải chịu mâu thuẫn: chấp nhận sự vật như chúng vốn vậy hoặc tái tưởng tượng chúng; biểu thị hoặc tái tạo; phục tùng hay khẳng định; nhân tạo hoặc tự nhiên, vv. Như giống bò nhà thơ phải có nhiều hơn một dạ dày.

Có ba loại thi sĩ: loại làm thơ không suy tư, loại suy tư trong lúc làm thơ, và loại suy tư trước khi làm thơ.

Sự kinh hãi (awe), như trong thơ Dickinson, là khởi sự của siêu hình học. Kinh hãi trước sự vật phong phú vô vàn và kinh hãi khi ngờ thấy tính nhất thể của chúng.

“ Các nhà thơ thực sự muốn gì?”, một giáo sư triết thông minh có lần hỏi tôi như thế. Lúc ấy khuya rồi và bọn tôi đã nốc rất nhiều rượu vang nên tôi buộc miệng nói ngay ý  thứ nhất vừa hiện trong đầu: “Họ muốn tìm hiểu về các sự vật chữ nghĩa không thể nào diễn tả.”

Hàm hồ là tình trạng của thế gian. Thơ tán tỉnh sự hàm hồ. Như “một bức tranh của hiện thực” nó chân thật hơn mọi bức tranh khác. Nói thế không có nghĩa là bạn nên sáng tác những bài thơ không ai hiểu nổi.

Ẩn dụ tạo cơ hội cho nội tâm tôi liên hệ với thế giới bên ngoài. Vạn vật cùng liên quan với nhau và tri kiến ấy nằm trong vô thức của tôi.

Tôi thán phục các nhà thơ nhà văn một mình một cõi. Triết học cũng vậy, lúc nào cũng một mình. Thơ và triết tạo nên loại độc giả cô đơn và chậm rãi.

Làm sao truyền đạt ý thức…khoảnh khắc hiện tại ta trải nghiệm sâu xa mà ngôn ngữ bị nhốt giam trong trật tự mang thời gian tính của câu cú không thể tái hiện?

Huyền thoại: tìm ra cốt truyện ẩn tàng trong một ẩn dụ. Có một tuồng tích và một vũ trụ quan trong từng ẩn dụ lớn.

Bài thơ: một sân khấu nơi ấy ta vừa là khán giả, sàn kịch, đạo cụ, diễn viên, tác gia, công chúng, nhà phê bình. Tất cả cùng một lúc.

   Có những nhà phê bình không có khả năng cảm nghiệm nghĩa bóng, tựa những kẻ mù màu (color blind), điếc nhạc (tone deaf), hoặc thiếu óc khôi hài. Khi gặp một ẩn dụ họ biết chứ nhưng nó không tác động gì đến họ. Nếu không thể giải rõ nghĩa ẩn dụ họ xem đó là chứng cứ khiến cho nó vô giá trị hoàn toàn.

   Phê bình duy ý hệ bao giờ cũng đứng yên một chỗ. Nó đã tìm được vị thế từ đó nó không còn xê dịch. Tựa như kẻ khẳng quyết rằng ngắm tranh phải đứng cách ba thước, và chỉ ba thước mà thôi! Với khoảng cách đó, dĩ nhiên nhiều bức tranh không hiện hữu trọn vẹn được. Mặt khác không bao giờ chỉ có một điểm ngắm duy nhất ngoại trừ trong trí não. Trong đời sống và trong nghệ thuật cùng lúc ta ở nhiều nơi khác nhau.

   Từ bài thơ hiện đại suy ra là mỹ học với triết học hiện đại. Không thể hiểu những bài thơ viết theo cách thức này nếu không am hiểu lịch sử tri thức hiện đại. Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng không phải ai cũng biết. Nhiều nhà phê bình văn học hàng đầu của chúng ta không đọc rộng bằng các thi sĩ. Các thi sĩ phiêu lưu hơn nhiều. Dĩ nhiên còn phải nhắc đến hội họa và điện ảnh mà giới phê bình thường không bận tâm đến.

   Có hai cách sáng tạo: phơi bày cái có sẳn hoặc làm ra điều hoàn toàn mới. Tin vào cả hai là vấn nạn của tôi.

   Thần linh trong thoáng chốc, người Hi lạp đã nghĩ như thế về từ ngữ.

   Các ý tượng đẹp, bí ẩn mang tính tĩnh tại (static). Quá nhiều ý tượng như thế sẽ làm nghẽn bài thơ. Một ý tượng bí ẩn là một biểu hiệu linh thiêng tạo nên phép lạ. Từng bài thơ một có thể chứa bao nhiêu ý tượng như thế?

   Rimbaud, người phát minh ẩn dụ hiện đại cho là mình có thần nhản (seer). Ông nhận ra rằng tham vọng bí mật của  một ẩn dụ căn để là siêu hình. Nó có thể khai mở những thế giới mới, chạm được đến tuyệt đối. Khi bắt đầu ngờ vực sự thật ấy ông thôi không làm thơ nữa.

   Phần lớn các nhà thơ không hiểu được  chính các ẩn dụ của họ.

   Tôi đề xướng minh giải luận (hermeneutics) của cái hoàn toàn sáng tỏ. Nó có tham vọng tìm ra những tối tăm ẩn tàng trong ánh dương chói chang nhất.

   Các thi sĩ hôm nay phần đông đã quên chủ nghĩa tượng trưng, đặc biệt là khải ngộ lớn của chủ nghĩa này là không thể nói bàn mà chỉ có thể ám chỉ về Hữu thể.

   Một vài triết gia hiểu ý tượng trong thơ khá hơn các nhà phê bình văn học. Có thể nhắc đến Bachelard, Heidegger, Ricoeur. Họ nắm được tham vọng tri luận và siêu hình của ý tượng. Các nhà phê bình lắm khi chỉ có một quan niệm thuần văn chương về ý tượng.

   Chúng ta hiểu được người khác nhờ vào tốc độ truyền đạt vượt trên ngôn ngữ, Valéry nói thế. Với tôi nhận định này mô tả điều xảy ra trong một bài thơ tự do. Nhà thơ tăng tốc, hoặc kìm hãm  dòng chảy ngôn từ… dừng lại…không nói gì… Đoạn nhà thơ lại quay về với nhịp độ của mình…

   J. Riddel: Nhà thơ vươn đến cái chi? Không chỉ tri kiến thuần túy, nhà thơ mở lối đi vào quan hệ giữa chữ và vật.

   Giới phê bình của chúng ta mắc bệnh tỉnh lẻ: đọc B và Y  nhưng không đọc Z, D hoặc N. Với sự hiểu biết cực kỳ hạn hẹp về mặt này họ lại thích khái quát hóa về thơ Hoa kỳ.

  Gadamer nói: Chân lý tuột khỏi người chỉ bám vào phương pháp.  Tạ ơn Trời! Bởi thế còn có cơ may cho các nhà thơ.

   Ghi chú tặng các nhà sử học tương lai: Đừng đọc những tờ báo New York Times cũ. Hãy đọc các nhà thơ.

   Thời gian là cái chủ quan par excellence . Khách quan mà nói thời gian không hiện hữu mặc dù có vô vàn sắc tướng…

   Chù nghĩa ý tượng (imagism) là nỗi đam mê tìm sự chân xác, làm thế nào chụp bắt sự vật cho đúng. Nhưng nào dễ gì! Đó là một bài toán triết học! Chủ nghĩa này là tri thức luận của thơ hiện đại.

   Điều sâu xa nhất Emerson nói về các nhà thơ là họ hiểu ra Bí Mật của Thế Giới: rằng Hữu Thể hoá làm Sắc Tướng và Nhất Nguyên trở thành Đa Dạng.

   Điều nguy hại nhất cho thơ là chất thơ. Tôi không còn nhớ ai nói lời này.

   Các thi sĩ tự sự hãy nghe đây. Các người nghĩ thế nào khi Pound nói rằng: Đừng thuật lại với những câu thơ tồi những gì đã được viết ra bằng văn xuôi hay.

   Ai cũng muốn có được khả năng diễn nghĩa (paraphrase) nội dung bài thơ, ngoại trừ nhà thơ.

   Sự gặp gỡ giữa triết và thơ, các con cừu non của ta ơi, không phải bi kịch mà là một hài kịch siêu phàm.

   Trong thơ có sự chọn lọc phần riêng để biểu hiện cái toàn thể. Hình thức trong nghĩa sâu nhất là chọn lọc. Hình thức chân thật là sản phẩm của con mắt thần (extraordinary vision).

   Nhà thơ kêu gọi triết gia trong mỗi chúng ta quan tâm đến thế giới qua sự hiện diện đầy nghi vấn của nó.


                                                                                    CHÂN  PHƯƠNG  tuyển dịch

  

No comments: