Monday, April 22, 2013

NHÀ THƠ BÀNG SĨ NGUYÊN









 Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên tên thật là Bàng Khởi Phụng, sinh ngày 13.8.1925 tại Bắc Giang. Quê gốc ở Bình Lục, Hà Nam.

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên sinh trưởng trong một gia đình trí thức. Gia đình ông có cửa hàng tơ lụa nổi tiếng toàn miền Bắc lẫn miền Nam và hiệu thuốc bắc lừng danh khắp các tỉnh.

Thời nhỏ là học sinh trường Thăng Long, Hà Nội. Ông cùng lứa với Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đông thường tổ chức các cuộc mittinh, biểu tình chống Pháp và Nhật. Thôi biểu tình, thì chuyển sang đóng kịch đả kích bọn đô hộ... Sau đó vào bộ đội, làm báo trong quân đội.

Hòa bình lập lại làm biên tập tại tuần báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học. Trong thời gian này ông làm thơ và vẽ tranh. Ông nổi tiếng nhờ những bức vẽ sơn dầu
Hiện ông sống ở Sài Gòn

Tác phẩm
   - Mùa hoa trên núi (1957)
   - Ban đầu (1959)
   - Ánh thép (1961)
   - Trên mảnh đất của tình thương (1966)
   - Người con gái Bắc Sơn (1973)
   - Hồn nhiên (1979)
   - Niềm vui
   - Phá thác
   - Cành lên lộc non 



tranh Bàng sĩ Nguyên




   Tôi nghe tiếng chim gọi đàn / Con chim gáy gọi bạn / Hồn tôi muốn van / muốn gọi theo chim / Lắng đọng trong tôi / Tiếng chim gáy của ngày an bình / Dẫn đưa tôi về quá khứ / Nghe con chim gáy / Tiếng gáy trong gió thoảng / Trong vườn hoang / Khúc nhạc trầm này / Sáng trong ký ức / Như tiếng kinh cầu khiêm nhu / Bay trong mùa lúa thơm / Cùng tiếng di tiếng sẻ / Không thiếu tiếng chim vui buồn / Cùng xóm chiều yên ắng / Nhìn lên trời trong toả rạng ngời/ /Mây trắng buồn  / Thiết tha / Tiếng chim gáy vô tư ngọt ngào / Khúc nhạc trầm / Nức nở trong hồn tôi / Ngây dại…

                                                                                thơ Bàng Sĩ Nguyên




Khúc nhạc trầm hồn ngây dại



Bài viết của nhà văn Nguyễn Đình chính về tập thơ mới xuất bản của ông sau gần 30 năm tự mình treo bút
   

 Tôi được biết lão thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên qua cha tôi  từ rất lâu rồi. Vào một ngày giáp tết năm 1982, ông cùng với cha tôi, nhà văn Nguyễn Đình Thi lên tận bản Nà Coọc, Chiêm Hoá, Tuyên Quang đi tìm mộ mẹ tôi mất từ năm 1951. Tại sao cha tôi lại mời ông đi cùng, hay là ông tự nguyện đi với cha tôi. Tôi không biết. Chỉ biết khi vào đến bản Nà Coọc ông cứ chạy ngược chạy xuôi từ đầu bản đến cuối bản, tay cầm một mảnh giấy nhỏ ghi chép hình thế phong thổ của vạt rừng để cố tìm vị trí ngôi mộ mẹ tôi đã mất tiêu lẫn vào cây cỏ nui rừng. Đêm đó, hai ông tạt vào nghỉ nhờ trong một ngôi nhà sàn ọp ẹp của một cụ già người Thổ cuối bản. Suốt đêm hai ông ngồi nói chuyện bên bếp lửa bập bùng giữa nhà vừa nướng ngô vừa nói chuyện. Hai ông nói về cuộc tranh luận phê bình thơ không vần trong kháng chiến chống Pháp. Hai ông đều đồng ý với nhau cuôc đấu đá đó chỉ đơn giàn là một cuộc đối đầu  giữa  trào lưu thơ Mới trước Cách mạng và trào lưu thơ mới  không vần non trẻ vừa nẩy sinh trong cuộc kháng chiến trường kì .Rồi ông Bàng cứ nói mãi về một ông cán bộ nhà thơ nào đó cứ đó rất ác tâm cố bẻ cuộc đối đàu    nghệ thuật với nghệ thuật này sang thành cuộc đối đầu giữa nghệ thuật với  chính trị . Khi hăng lên, hai ông nói toàn tiến Pháp ( Chắc là không muốn cho tôi hiểu). Phải đến một ngày giáp tết 24 năm sau, năm 2007, tôi lại được ngồi cạnh ông bên đống lửa cháy đùng đùng trên bãi sông Hồng. Vẫn cái mùi ngô nướng rất thơm không thể nào quyên được. Tính tới năm nay, cha tôi đã mất được 4 năm rồi. ông không còn sống để nói tiếng Pháp thơ ca với thi sĩ họ Bàng. Vì vậy thi sĩ họ Bàng đành ngồi nói chuyện với tôi. Ông nói chuyện với tôi mà nhiều lúc tôi có cảm giác «như đang nói chuyện với ông Thi đang bay lượn ở trên trời. Và suốt tối hôm đó thi sĩ họ Bàng thỉnh thoảng lại xổ ra hang tràng tiếng Pháp. Ông hăm hở nhắc lại một cái me xừ  nhà thơ cán bộ xừ Huế nào đó rất thấp kém về nhân cách chỉ giỏi ném đá dấu tay đứng đằng sau xúi bẩy anh em văn nghệ sĩ đấm đá lẫn nhau. Vẫn chỉ me xừ chứ không nói toạc tên ra. Lịch lãm lắm. Ông xuýt xoa  nhắc tới cha tôi.  Mười bẩy tuổi anh Thi đã đủ tiếng Pháp để viết triết học. Thông minh nổi tiếng. Rồi thi sĩ họ Bàng nói về bài Hà lạc trong kinh Dịch, nói về đất đai, phong thuỷ, về một thế giới tâm linh bí ẩn ông cắt nghĩa vì sao đúng 50 năm sau, năm 2001 tôi lại tìm thấy mộ mẹ tôi giữa bạt ngàn nói rừng hoang vu Nà Coọc…Và ông nói về  nguỵ biện luận của người Tàu ngày xưa. Ông nói về cách vẽ tranh bằng 5 ngón tay và cách xử dụng các móng tay để vuốt mảnh nét vẽ. Và cuối cùng ông nói về  thơ hậu hiện đại. Đêm khuya cuối năm. Bãi sông thông thống. Gió lạnh gào rú. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Thi sĩ họ Bàng tề chỉnh com lê trắng, khăn phu la sành điệu. Râu vểnh ngược. Cao hứng ông dạo thế võ đá tung thanh củi tàn lửa bay tán loạn. Rồi ông quỳ xuống cất giọng ư ử hát một bài hát của người Nhật Bản. Ông hát bằng tiếng Nhật. Dù chẳng biết một nửa chữ Nhật nhưng tôi nghe rõ lời khóc than của một người trai Nhật Bản đau đớn tiếc thương người tình của mình đã bị kẻ thù chém chết bên bờ suối trong rừng sâu

 …
   Sáng ngày hôm sau, bên tro tàn của đống lửa, tôi nằm toài trên cát và viết một mạch lời tựa mấy nghìn chữ cho tập thơ Khúc nhạc trầm hồn ngây dại của ông. Một tập thơ ông viết trong 5 đêm chỉ uống rượu xuông và thức trắng. Một tập thơ Nhà xuất bản Văn Học đã in rất nhanh trong năm 2006. Một tập thơ lạ lùng. Chỉ tiếc là nó qúa bơ vơ trong thế giới thi ca bánh phồng tôm vô tình bát nháo hiện nay.

   Thi sĩ họ Bàng là ai vậy.

     Hơn 80 năm, cũng có thể coi là đã gần hết một kiếp người, nh­ư dòng suối ngạo mạn mà khiêm nh­ường mê mải tuôn trào giữa hai bờ cát  trắng cây cỏ hoang dại cuộc đời. Không vướng kẹt. Hay là suốt đời vướng kẹt mà cứ tự coi là như không vướng kẹt. Chẳng đoái hoài tới những cơn gió lạnh buốt tháng Giêng và cả những hương mùa Thu tháng M­ười quyến rũ. Dòng suối đời 80 năm cứ mê mải tuôn trào. Về đâu? Về cái chết biệt vô âm tín, hay về chốn vĩnh hằng muôn đời. Như­ng có một hiển nhiên dòng suối tuôn trào đó bao giờ cũng là hành sử, là thái độ của Bàng Sĩ Nguyên mỗi khi ông tiếp xúc với thi ca và hội hoạ.

    Sinh năm 1925 ở Hà Nội. Mang họ Bàng, nh­ưng lại là hậu duệ đích tôn của hoàng tử thứ ba Lý Hùng Tích Hoài Nam Vương trong những ngày diệt vong cuối cùng của một triều đại đổ nát. Đã hơn 700 năm trôi qua rồi, thay tên đổi họ để tránh cái họa chu di cửu tộc mà nay cũng chỉ còn nh­ư một truyền thuyết. Tóc trắng, râu trắng, vóc hạc mình tiên, thi sĩ họ Bàng dù là ngồi lù xù n­ướng khoai bên bếp lửa đêm cận giao thừa, chân tay lấm lem, râu tóc dựng ngược mà thỉnh thoảng vẫn loé lên cái cốt cách vương giả, kiêu hãnh khác ng­ười.

    Những năm trước Cách mạng tháng 8 -1945, Bàng Sĩ Nguyên học chữ Hán, chữ Anh, chữ Pháp, chữ La Tinh. Ông đọc Immanuel Kant, Francis Bacon, Schopenhauer, Heiderger, Spencer…và hoạt động trong các tổ chức tuyên truyền Chủ nghĩa Mác ở Hà Nội. Từ năm 1946, ông đi bộ đội làm báo Xông Pha, báo Dân Quân Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các ông Nguyễn Khang, Nguyễn Đông. Ông đã từng nhận các cương vị: cán sự kiểm tra, cán bộ tuyên huấn bộ tư­ lệnh và là chính trị viên kiêm đoàn trưởng đoàn văn công quân đội mà Nguyễn Đức Toàn là cấp phó của ông khi Hoàng Cầm đã thôi việc. Tới năm 1956, ông được Ban tổ chức Trung ương Đảng điều động ra ngoài quân đội cùng Hoàng Trung Thông, Hữu Loan, Đào Vũ, Nguyễn Đình Thi…thành lập báo Văn Nghệ và  tiếp sau là Tạp chí Văn nghệ.

Ông cũng là một trong 37 hội viên sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam. Khi thành lập trường viết văn ở Quảng Bá, ông lại được điều về phụ trách Phó hiệu tr­ưởng. Năm 1985, tròn 60 tuổi vào Sài Gòn sống một mình, về h­ưu, vẽ tranh, giảng triết học và viết lý luận nghệ thuật, mở phòng tranh và triển lãm tiếp tục nghề họa từ phòng tranh nguyên tác tại Giảng Võ, Hà Nội từ năm 1978, khi ấy được Tùng Giang, Trần Độ, báo chí và các Hội nghệ thuật đều ủng hộ.

    Từ năm 1956 đến 1985, Bàng Sĩ Nguyên lần l­ượt cho xuất bản 7 tập thơ. Khúc nhạc trầm hồn ngay dại là tập thứ 8 sau đúng 20 năm tự mình treo bút.

    Non một thế kỷ nay, thơ ca thế giới chuyển động ào ạt chống lại sự chùng lỏng của chủ nghĩa tình cảm và sự man trá đạo đức giả. Bắt đầu từ trào lư­u Duy hình t­ượng, tới những thể nghiệm tr­ường phái Hiện đại chủ nghĩa, rồi Chủ nghĩa Hậu hiện đại với liên tiếp các khuynh hướng Hình t­ượng sâu tận dụng triệt để những sáng tạo từ nguồn tâm linh, vô thức. Khuynh hướng Ngẫu nhiên tìm lối thoát ở tinh thần Thiền Tông. Khuynh hướng Tự thú, khuynh hướng Thơ trình diễn với những văn bản thơ được sự hỗ trợ của các phương tiện điện tử tối tân và mỹ thuật khái niệm rầm  rộ trình diễn trên sân khấu…Phải làm một cuộc điểm danh thiếu sót và khiên c­ưỡng như­ vậy, là muốn nói ở đây tập thơ này: Khúc nhạc trầm hồn ngây dai có một sự liên hệ và nhập cuộc, hoà trộn kỳ lạ với dòng chảy của thơ ca thế giới hiện đại.

    Thật ra thì Bàng Sĩ Nguyên cũng đã lập ngôn qua 7 tập thơ đã in mấy chục năm tr­ước. Có thể không khó khăn gì không tìm thấy những suy t­ư triết học về thân phận con người, về vẻ đẹp của tình yêu và  cuộc sống trong những câu thơ hết sức bình dị và trong trẻo của một khuynh hướng chập chờn hiện thực và siêu thực. Phải chăng đó cũng là phản ứng thầm lặng, kín đáo và có chút e sợ của ông tr­ước dòng thơ thực tại thô sơ nh­ưng lại hung hăng hào nhoáng. Và 20 năm rồi, những tưởng ông đã yên nghỉ trong nấm mồ thi ca và chỉ còn biết bày tỏ mình trong hội họa và triết học. Như­ng không! Khai mở hôm nay Khúc nhạc trầm hồn ngay dại là một sự tái sinh phi lý. Đó là một sự tái sinh, một sự sống lại của cái phi lý ứa trào nhựa sống ẩn mình nằm giữa cái có lý già cỗi hấp hối. Sự lột xác, hồi xuân của một tâm hồn đang trên đường say đắm nghệ thuật thơ ca và cũng là của một thể xác đang cháy những giọt dầu cuộc sống cuối cùng. Bây giờ ta biết gọi Bàng Sĩ Nguyên là gì? Một chàng thi nhân 20 tuổi ngời ngời minh triêt và ào ào trực cảm dục vọng xuân thì
.
    Lâu nay chúng ta vẫn có thói quen ngợi ca sự sáng tạo từ ý thức chói sáng mà lãng quên những sáng tạo nghệ thuật đích thực chỉ có thể chồi ra từ vô thức mù mờ. Chúng ta quá tin cậy vào sự nhận biết thế giới qua những tư tưởng tự tin đến khô kiệt, qua kinh nghiệm chủ quan đến ngạo mạn và các giác quan khoa học dửng dưng, mà phũ phàng với sự tìm kiếm hiện thực từ những nhận thức trực khởi, từ những chiêm nghiệm du già, từ những ám ảnh tâm linh, những mặc cảm bí ẩn của tâm hồn người nghệ sĩ. Đó là một tai hoạ trời đầy. Nốt nhạc trầm của nỗi buồn chẳng hề lạc quan. Hồn ngây dại của một trí tuệ minh triết mỏi mệt. Thơ Việt Nam hiện đại có thể tìm thấy một lối thoát bắt đầu từ những khúc nhạc trầm, từ những hồn ngây dại chăng? Sẽ còn bao nhiêu lối thoát nữa và của ai và bao giờ?
    Vượt lên sự mưu danh cho chính mình. Khúc nhạc trầm hồn ngây dại là tuyên ngôn mới nhất của Bàng Sĩ Nguyên về nghệ thuật, nếu không phải hay là chưa thể dành cho trùng điệp đám đông thì, cũng đích thực dành cho chính ông và những người mấy chục năm nay lặng lẽ đứng sát bên cạnh ông.

 Vào một ngày đầu tháng 4 oi bức năm nay ( năm 2008 ), tôi có nhờ một anh bạn nhà thơ trẻ vào chơi Sài Gòn, tiện thể  tìm đến địa chỉ 216/44 Hà hưng , Phường 13 , quận 10 để trước là kính hỏi thăm sức khỏe lão kì nhân nghệ sĩ tiên sinh họ Bàng, sau là kính biếu cụ quyển tiểu thuyết Đêm Thánh Nhân mới được tái bản lần thứ 3. Anh bạn nhà thơ lặn lội đến đĩa chỉ trên 2 lần thì cả 2 lần ngôi nhà nhỏ trong cái hẻm con con đó đếu của đóng then cài. Nghe hàng xóm mách : Về sức khỏe thì lão văn nhân vẫn chân cứng đá mềm, nhưng về tài chánh thì xui xẻo lằm chả là vừa bị kẻ trộm bet khóa lẻn vào nhà khoắng cho một mẻ sạch không kình ngạc.Điện thoại dăm lần bẩy lượt thì chỉ tút tút tút... Lão kì  nhân nghệ sĩ hiện giờ lang bạt nơi nao? đang là thượng khách ngất ngưởng cơm rượu vẽ tranh tại một ngôi biệt thự cực kì sang trọng của mấy ông chủ bang Hoa kiều ở quận 5,  hay là đang cởi trần phóng thơ, múa võ tại một miệt vườn muỗi bay như trấu ở miền quê mũi đất  cực Nam trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.






No comments: