Thursday, April 25, 2013

DƯƠNG KIỀU MINH




             Nguyễn Lương Ngọc - một khuôn mặt thơ độc đáo

Khi Nguyễn Lương Ngọc đã mất, qua Sơn Tây lần nào chúng tôi cũng nói chuyện về anh, cái thị xã cổ kính này thật quá chật với chiều kích tâm hồn và tính cách Nguyễn Lương Ngọc.
Cuộc sáng tạo thi ca còn bề bộn dang dở của nhà thơ Nguyễn L­ương Ngọc là điều làm tôi quan tâm hơn cả. Vậy mà sáng tạo thi ca của Nguyễn L­ương Ngọc chưa được Hội Nhà văn Việt Nam và giới phê bình đánh giá một cách công bằng. Hầu như mọi nhà thơ có vai vế và có quyền định đoạt trong làng thơ Việt Nam đều thờ ơ trước các tác phẩm của nhà thơ đầy nhiệt huyết sáng tạo này. Trong vòng chỉ một năm, từ cuối 1990 đến cuối 1991, nhà thơ trẻ Nguyễn L­ương Ngọc cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ: Từ nướcNgày sinh lại. Sau chuyến đi xuyên Việt anh có xuất bản tập thơ Lời trong lời, tập thơ này đã hiện rõ độ chín trong tìm tòi cách tân thơ của Nguyễn L­ương Ngọc.
Phải nói rằng, hai tập thơ đầu Từ nướcNgày sinh lại, tìm tòi sáng tạo thơ ca của Nguyễn L­ương Ngọc vẫn còn manh nha, chưa gây được nhiều ấn tượng và thuyết phục đối với giới văn chương, nhưng đã hiện rõ hình hài và cá tính của một sự cách tân, một sự khát khao đổi khác trong sáng tạo thi ca. Đến tập thơ Lời trong lời, là sự khẳng định một phong cách thơ Nguyễn L­ương Ngọc mạnh mẽ, ào ạt và tràn đầy. Tập thơ Lời trong lời ra đời, khi đó Nguyễn L­ương Ngọc đang độ sung sức, rất nhiều người phản đối nó vì không thể nhận ra con đường sáng tạo cách tân thơ đóng góp của nhà thơ Nguyễn L­ương Ngọc đối với nền thơ Việt Nam hiện đại .
Tiếc rằng, khi anh mất, nhiều bạn bè công tác tại Hà Nội và có điều kiện đang nắm giữ những vị trí ở các diễn đàn báo chí văn chương, đã viết về anh, nhưng chỉ nói những câu chuyện về những sinh hoạt của anh trong mối quan hệ với bạn bè văn chương, mà chưa thấy nhắc đến đúng mức vị trí sáng tạo của anh trong nền thơ của nước nhà, nhất là vai trò của anh trong lớp các nhà nhà thơ xuất hiện sau năm 1975.
Nguyễn L­ương Ngọc lại là người sống mạnh mẽ như thế và cách tân tìm tòi như thế, chắc cũng khó tìm kiếm được thiện chí của lớp nhà thơ bề trên. Có lẽ cũng là sự thường tình chăng?
Ngay sau đây, xin chép lại nguyên văn ba bài thơ của Nguyễn L­ương Ngọc in trong tập Ngày sinh lại, xuất bản năm 1991. Ba bài thơ này có lẽ sẽ đánh thức một điều gì chăng.
Trong mơ đau thắt ngực
Hình xưa lững thững về
Tôi xanh da trời
Em tôi thì trắng
Hai anh em tươi
Sương dâng ngang người
Em tôi thì trắng
Tôi xanh da trời
Hai anh em hiện hình của nắng
Và mây lành trời ơi
Như hồn trong mộng
Hai anh em trôi
Móc bay lất phất
Như như, lạnh người.
Bao giờ trở lại
Bao giờ bắt đầu
Mơ, mơ
Chân đâu
Mình đâu
Buồn tiên cảm hát chân cầu lưu thuỷ"
(Tiên cảm)
"Cuộc sống lạnh lẽo sao
Cuộc chết ấm áp sao
Em mỉnh cười từ đâu
đá Bay-on chao chát
Đăm đắm nhìn từ đâu
Sương Tây Hồ ngột ngạt
Yêu không thể giải thích
Chen chúc hoa lên tịch mịch
Yêu không thể giải thoát
A...a...a...A...a...a
Người là người, ta là ta
Ta là người, người là ta
A...a...a...A...a...a...a."
Lời hát)
"Này đàn giang trắng
khoảnh khắc
Từ đất rạch lên trời
Từ trời buông xuống đất
Các vị đến cùng chúng ta
Các bị rời bỏ chúng ta.
Em đang nói về tương lai ư
Đàn giang bay mải miết
Chẳng lẽ anh ngắt lời em
Em đang nói về tương lai à
Trên cao, đám mây vàng sững sờ."
(Đàn giang)
Mọi người có thể không tin lời tôi, nhưng hãy đọc chậm rãi những vần thơ của nhà thơ Nguyễn L­ương Ngọc. Ở đó, diệu lý của thơ ca và của sự sống không giới hạn trong văn tự của câu thơ.
Nhiều người và bạn bè văn chương hay nhắc đến bài thơ Gọi hạc của Nguyễn Lương Ngọc. Đúng, đấy là bài thơ hay và độc đáo của Nguyễn L­ương Ngọc. Nhưng thực tế công cuộc sáng tạo thi ca của Nguyễn L­ương Ngọc không dừng lại ở bài thơ này. Anh nghiền ngẫm, ôm ấp xây dựng cho mình một sự nghiệp cách tân thơ ra vô cùng lớn. Anh đã thực thi bước đầu cuộc cách tân một cách có hệ thống mà anh đã xây dựng. Điều này được hiện thực ở tập Lời trong lời. Tôi tin, nếu không gặp hiểm nạn sớm như vậy, đến giờ chắc anh đã công bố được tương đối công trình sáng tạo cách tân thơ của mình. Hiểm nạn và cái chết đã cuốn phăng một tài năng thi ca. Tiếc thay!
Trang lứa các nhà thơ được xếp là xuất hiện sau năm 1975, không thể vắng mặt nhà thơ Nguyễn L­ương Ngọc. Đây là một khuôn mặt thơ vạm vỡ, độc đáo, không gì thay thế được.
Bài thơ Gọi hạc của Nguyễn L­ương Ngọc được nhiều người nhắc tới, tôi xin chép lại bài thơ này:
Con cắt trắng
Xếp cánh
Khi gặp con khiếu vàng
con khiếu vàng
Khép mở
 Khi gặp con hạc đỏ
Con hạc đỏ
nức nở
nhìn
 con hạc trắng
Hạc trắng!
Hạc trắng!
Những con đã sinh ra thì đã chết
Những con chưa chết thì chưa sinh ra"
(Gọi hạc)
Nguyễn L­ương Ngọc và tôi quen biết nhau, khi đó chúng tôi mới ngoài hai mươi tuổi, cùng sống bên dòng sông Đà đêm đêm nước gào thét dữ dội, và nắng bụi công trường có làm phôi pha tuổi thanh xuân của chúng tôi sớm hơn bình thường. Nay, nhà thơ Nguyễn L­ương Ngọc đã trở thành người thiên cổ, còn tôi thì cảm thấy già nua quá sớm, tôi đã nhận thấy rõ sự bất lực của mình trước thơ ca và trước đời sống, quãng đời còn lại là thả trượt theo đường ray của số phận.
Không rõ vì nguyên cớ gì, đầu xuân này tôi lại nhớ da diết về Nguyễn Lương Ngọc. Có lẽ là do cuộc gặp hoạ sĩ Lê Thiết Cương, thổi bùng lên trong tôi hình ảnh nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, hoặc tôi nghĩ có lẽ đó cũng là một dấu hiệu của sự già nua chăng.
Ôi, cái thân của người ta - được cha mẹ tác thành, rồi trưởng dưỡng, rồi cuốn vào vòng sinh - lão - bệnh - tử, rồi ôm ấp ước vọng băng qua sự bầm dập của cuộc đời, rồi về đất và rồi mãi mãi thiên thu...
Ôi, "Hạc trắng!/ Hạc trắng!/ Những con đã sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra"
A di đà Phật!
Hà Đông, ngày Bính Tuất, tháng Giêng, năm Bính Tuất.

No comments: