Wednesday, April 17, 2013

CẦN CÂU LỚN ĐI CÂU TOÀN CÁ NHỎ

Đỗ Minh Tuấn

Nếu như ông lão nhân vật trong Ông già và biển cả của Hemingwe đã dũng cảm xả thân để kéo con cá khổng lồ mà mình câu được vào bờ, thì Nguyễn Đình Chính ngược lại, luôn vác cần câu chạy trốn khi gặp con cá lớn. Vì anh sợ những con cá lớn mà anh câu được sẽ kéo anh xuống bùn, làm vấy vẩn tư cách văn nhân mà người cha đã truyền lại cho anh.
Nghìn voi ... bát nước xáo

Những năm 1977-1978 Nguyễn Đình Chính hay cùng nhiều văn nghệ sỹ khác hay đến 51 Trần Hưng Đạo chơi vì ở đấy quần tụ rất nhiều văn nghệ sỹ lừng danh. Có lần Chính trông thấy nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam ngồi hút thuốc lào ở trên ghế đá trong lúc ở Hội trường đang diễn ra cuộc họp quan trọng. Cụ Khoát cầm cái đóm châm lửa mãi không cháy vì cái đóm dày quá. Chính chạy ra quán lấy đóm về xăng xái đánh diêm cho cụ hút rồi hỏi:

- Bố ơi! Sao hội nghị đông đủ quan chức quan trọng thế mà bố lại bỏ ra đây!

Cụ Khoát cười:

-Văn nghệ ấy, con ạ, chỉ từng nhóm với nhau thôi! Mấy thằng với nhau thì hay, chứ còn tụ tập đông như cái chợ thế kia thì chỉ làm trò thôi, chả làm được cái gì!

Không biết có phải vì câu nói của vị nhạc sỹ lão thành ám ảnh Chính đến giờ hay không mà Chính rất hay tổ chức tụ tập nhóm. Chính tâm sự: “Mấy anh em hoạt động nghệ thuật thuần khiết và hợp nhau thì nên lập thành một nhóm, thỉnh thoảng tụ tập, viết vẽ được cái gì mới thì chia sẻ cho nhau, động viên nhau. Như trước đây các cụ lập nhóm Tự lực văn đoàn ấy! Như thế còn có ích chứ không tin được các tổ chức tập thể Tuấn ạ!”

Hăm hở nhiệt tình là thế, nhưng sự nghệp lập nhóm của Chính cũng chỉ là ngàn lẻ một chuyện dở dang. Từ các tổ chức lớn bé đến các nhóm cũ mới mà Chính đề xuất và triển khai tất cả đều nửa đời nửa đoạn. Giữa thập kỷ 90, Chính bàn với tôi thành lập Hội Điện ảnh Hà Nội “để tạo sân chơi riêng cho anh em mình”. Tôi soạn Điều lệ Hội đưa Chính. Nhà văn Tô Hoài Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội lúc ấy ủng hộ kế hoạch lập Hội, lấy cho Chịnh văn bản chấp nhận của Thành ủy và của Liên hiệp. Thế rồi, khi tôi đi xa mấy tháng làm phim, ở nhà Chính đưa cho người khác tất cả các văn bản ấy để họ làm nốt các việc tổ chức. Thế là Hội Điện ảnh Hà Nội được thành lập không có tôi và Chính. Khi về tôi hỏi: “Sao lại thế?”, Chính chép miệng thở dài: “Tớ có biết đâu lại thế! Thôi, cho chúng nó! Cụ Tô Hoài cụ ấy đã đặn rồi, cụ bảo cẩn thận không cái bọn lăng nhăng nó lại vồ mất đấy, thế mà mình không cảnh giác!”.

Sau đó, Chính rủ tôi cũng các anh Nhật Tuấn, Lâm Quang Ngọc lập nhóm văn chương kiểu Tự lực văn đoàn. Anh em bàn nhau mãi mới ra cái tên Tự lưc mới. Chính có vẻ khoái cái tên này, vì nó vừa gợi lại quá khứ văn chương của nhóm Tự lực văn đoàn, vừa tách được ông nhà văn con khỏi ông bố Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Đinh Chính tôi không dựa dẫm vào phụ huynh đâu nhé, chúng tôi chủ trương tự lực, mà là tự lực mới nhé, không phải là cái tự lực của thời 30-45 đâu! Thế rồi, y như có một lời nguyền ác nghiệt, nhóm Tự lực mới chưa hoạt động được gì đã dần dần tan biến vào ký ức.

Năm 2008 Chính lại rủ tôi lập Hãng phim Nguyễn Đình Thi với bao nhiêu viễn cảnh đầy hấp dẫn. Thấy Chính lơ mơ về thủ tục, tôi lôi vợ chồng Chính ra Văn phòng luật sư làm hồ sơ thành lập công ty và bản thân tôi cũng nộp tiền vào với tư cách một trong ba thành viên sáng lập. Chính cứ nằng nặc bắt tôi làm Giám đốc với lý do Chính không quen điều hành một công ty. Nhưng tôi không nhận vì đang làm Giám đốc Hãng phim Nhân Đạo. Anh em đã bàn nhau nhiều kế hoạch, thế nhưng gặp mấy ông bạn cựu chiến binh, nghe họ đưa ra nhiều kế hoạch bùi tai, Chính lại quên béng tôi, bưng cả công ty, cả nhà đi theo họ. Tôi đến thấy nhà Chính trở thành văn phòng với ban bệ nọ kia, có vẻ hoành tráng lắm! Hàng chục người ra ra vào vào, khiến tôi có cảm giác lạc lõng, quên phéng mình cũng là một ông chủ sáng lập ra công ty.

Một thời gian sau quay lại nhà Chính thì công ty đã giải tán rồi! Chính bảo:“Mệt quá! Sáng nào mở mắt ra cũng thấy một đám người đến ngồi ám mình. Có làm được việc gì đâu! Đến ngồi làm vì, lấy lương rồi đi chơi! Có bố hăng lên còn định lập chi bộ nữa chứ! Hai năm trời chẳng sáng tác được gì. Giải tán đi, thế là thoát nợ! Mất toi hơn hai trăm triệu! Đừng bao giờ giao tớ đứng đầu việc gì, vì tính tớ nhẹ dạ, ai bảo gì tớ cũng nghe lại hay thay đổi. Tớ đã chán thì bao nhiêu tiền tớ cũng bỏ. Tính cách như thế thì làm sao lãnh đạo được! Anh nào thuê tớ viết kịch bản, quy định thời hạn rõ ràng, tớ làm nghiêm chỉnh lắm. Không bao giờ hỏng việc.Nhưng tớ cầm chịch thì thế nào cũng hỏng”.

Nguyễn Đình Chính là vậy! Chính luôn luôn mặc áo đeo râu bước ra sân khấu xưng danh gọi người sang sảng, sau đó bỗng nhiên chạy tót vào cánh gà vì một lý do đời thường vu vơ gì đấy, kết thúc vở diễn một cách hồn nhiên, để bạn diễn và khán giả nhìn nhau chưng hửng. Cái lý do đời thường vu vơ đó có thể là tự ái, bất cần, có thể là chán bất chợt, có thể là sợ trách nhiệm, có thể là sợ mang tiếng “phụ huynh” Nguyễn Đình Thi!

Chạy trốn tiền lớn, săn lùng tiền nhỏ


Những năm 89-90 cuộc sống của Chính nhiều khó khăn, thiếu tiền sống hàng ngày. Một người bạn bên Bộ Giao thông muốn giúp, gơi ý giao cho Chính thầu mấy Km đường quốc lộ, vì Chính vốn là kỹ sư cầu đường. Nhưng Chính từ chối vì nhà văn mà đi làm đường nhựa, cứ trái khoáy thế nào ấy! Một vị quan chức khác thương Chính nghèo muốn giao cho anh làm một dự án lớn xây dựng thị trấn người cùi để gom người cùi các nơi về. Chính lại từ chối vì tiền lớn quá, lại là việc nhân đức, làm không khéo mang tiếng chết! Khi Chính làm Giám đốc Hãng phim Cờ Vua của Hội cờ Vua Việt Nam, ông YNgông Niếtđam Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội gợi ý Chính làm dự án phim truyện Đam San, Quốc hội sẽ tài trợ cho vài tỷ. Vài tỷ khi ấy lớn lắm vì một bộ phim nhựa chỉ vài trăm triệu. Chính cùng nhà văn Nghiêm Đa Văn đã viết đề cương và dự toán rất công phu. Nhưng Chính thấy hãng phim của mình không xứng với dự án nên đưa về hãng phim truyện Việt Nam. Ai ngờ khi làm việc với UBDT Quốc hội Hãng PTVN lại không mời Chính. Thế là ông Y Ngông Niếtđam không chịu, bắt phải có Chính mới làm việc tiếp. Hãng phim truyện VN phải cử một nghệ sỹ tên tuổi đến nhà riêng của Chính để xin lỗi và nhờ Chính làm tiếp. Nhưng Chính nói: “Tôi mất hứng rồi!”. Thế là dự án tan.

- Đang làm mà có người đâm ba chẻ củ là mình bỏ ngay. Hồi kỷ niệm 1000 năm thăng Long, mình có dự án làm phim về 4 nhạc sỹ lớn, quy mô khoảng 500 triệu. Mình gửi cho Hà Nội một thời gian ngắn là được duyệt. Nhưng sau đó trong một cuộc họp thấy có người thắc mắc là sao cơ quan họ gửi dự án lâu không được duyệt trong khi đó dự án của mình lại được duyệt ngay. Mình bực quá nói: “Tôi cho các anh đấy!” rồi mình bỏ không tiếp tục làm nữa!

- Vậy là anh khái tính. Anh vẫn hành xử bằng tư cách văn nhân, thà mất tiền còn hơn mang tiếng cướp dự án hay chạy chọt. Nhưng sao anh hay bỏ những việc to để làm việc nhỏ? Cùng một việc, người khác làm thì bạc tỷ, anh chỉ làm vài chục triệu. Có phải vì anh sợ mang tiếng tham nhũng khi dính vào công việc nhiều tiền không?

- Ngày xưa, khi mình còn nhỏ, một số văn nghệ sỹ có con hư hỏng, có người đến nhà mình chơi hỏi về con cái, ông Thi hãnh diện trả lời: “Cám ơn cụ. Chưa có đứa nào phải đi tù đi tội!”. Thái độ căm ghét trộm cắp của ông cứ ám ảnh mình. Mình có thể cãi ông ấy, đi ngược lại ông ấy trong quan niệm về văn chương, trong sáng tác.Nhưng những điều ông ấy dạy về đạo đức mình luôn luôn nhớ. Suốt đời mình, mình không ăn cắp của nhà nước một xu nào, ngay cả khi làm ở những chỗ nhiều tiền. Có thể vì tâm lý sợ mang tiếng, sợ vấy bẩn nên mình ngại dính vào những dự án hoành tráng quá.

- Như vậy anh lẫn lộn giữa giá rẻ và trong sạch? Có khi công việc cần nhiều tiền mà anh lại chấp nhận ít tiền chỉ vì để giữ cho mình không bị mang tiếng. Như vậy là anh bất cập với công việc, bất công với chính mình và bất công với những người cộng tác!
- Đúng rồi, những người làm với mình khổ lắm. Tiền nong chẳng được là bao mà có khi còn dang dở, chưa nhận được tiền mà mình bỏ dự án thì coi như họ làm việc không công.

Thế là, gần suốt cuộc đời, Nguyễn Đình Chính sống như một người làm xiếc, vừa vung cao quả chùy của một văn nhân gai góc dữ dằn lăm le nổi loạn, vừa rón rén đi trên sợi dây đạo đức mỏng manh mà nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi lại trong ký ức của anh./.





No comments: